Quay lại

NGÔN NGỮ QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI TRẺ

10/04/2021

Ngôn ngữ là “công cụ” giúp trẻ biểu đạt cảm xúc, tuy nhiên ở mỗi độ tuổi trẻ sẽ có năng lực ngôn ngữ và cách biểu đạt khác nhau. Ngôn ngữ cũng được xếp vào top 5 những kỹ năng hàng đầu của con người.  

Ngôn ngữ là một trong những kỹ năng rất quan trọng với trẻ /// Nguyễn Loan

Ngôn ngữ là một trong những kỹ năng rất quan trọng với trẻ

Cụ thể, tại hội thảo Đánh thức ngôn ngữ cảm xúc - Khám phá và đánh thức ngôn ngữ đa dạng của trẻ trong thời đại số do The Edu House tổ chức tại TP. Thủ Đức ngày 4.4 nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ngôn ngữ là một trong những kỹ năng rất quan trọng với trẻ.


Ngôn ngữ là phương tiện để trẻ nói lên cảm xúc của mình
Cụ thể, theo thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương, Giám đốc sáng lập FAROS Education & Consulting giữa ngôn ngữ và cảm xúc có mối quan hệ rất chặt chẽ với trẻ nhỏ. Ngôn ngữ chính là phương tiện để trẻ nói lên cảm xúc của mình, một đứa trẻ biết cách bày tỏ cảm xúc, biết nói con đang vui hay đang buồn thường có xu hướng trở nên tự tin, hoạt bát và năng động hơn so với những đứa trẻ không biết dùng lời nói để bày tỏ nỗi lòng.


“Trong bảng xếp hạng những kỹ năng hàng đầu do Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra hàng năm, thì gần như trong 5 năm trở lại đây thì trí thông minh cảm xúc luôn nằm trong top 5. Khi công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo ra đời, có thể thay thế con người ở rất nhiều lĩnh vực, duy chỉ có cảm xúc là không bao giờ thay thế được, do đó, chúng ta có thể không dạy cho con nhiều thứ nhưng không thể quên giúp con trau dồi trí thông minh cảm xúc, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương nói.


Bà Phương chia sẻ có một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên nghiên cứu về lĩnh vực thông minh cảm xúc tên là Casel đã sáng tạo ra mô hình bánh xe gồm 5 phần nhỏ, tương ứng với 5 năng lực của trí thông minh cảm xúc.


Đầu tiên là khả năng tự quan sát cảm xúc của bản thân. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, đặc biệt với trẻ nhỏ, vì con chưa đủ khả năng để nhận biết cảm xúc mình đang có là vui hay buồn hay tức giận, trẻ không biết cách mô tả cho ba mẹ biết do thiếu vốn từ. Và khi trẻ không thể nói lên cảm xúc của mình thì sẽ cáu kỉnh, ném đồ đạc, vì trẻ thiếu ngôn ngữ đề truyền đạt cảm xúc của mình nên phải dùng hành động để biểu lộ, gây sự chú ý. Nên việc đầu tiên phụ huynh cần làm là dạy con quan sát và mô tả cảm xúc của mình.

Ngôn ngữ quan trọng thế nào đối với trẻ? - ảnh 1

Theo thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương cho rằng ngôn ngữ là phương tiện rất quan trọng để trẻ biểu đạt cảm xúc của mình

 

 

Thứ hai là khả năng điều hòa, điều tiết cảm xúc, nhất là những cảm xúc khó chịu. Và cách tốt nhất để vượt qua cảm xúc khó chịu đó là tạo khoảng lặng. Ba mẹ có thể dạy con bằng cách sử dụng một bình kim tuyến, khi con khó chịu có thể mang bình đó ra để chơi, và nhìn những hạt kim tuyến rơi, đó là cách tạo khoảng lặng để con có thể điều tiết lại cảm xúc.

Thứ ba là khả năng quan sát cảm xúc của người khác. Ngày nay, trẻ được yêu thương và chiều chuộng quá nhiều nên thiếu đi sự chú ý và quan tâm đến những người xung quanh, do đó, ba mẹ cần dạy con cách nhận biết cảm xúc của mọi người để từ đó có sự ứng xử phù hợp.

Thứ tư là sự tương tác, kết bạn, kết giao với người khác. Đó là những kỹ năng giúp trẻ giao tiếp như việc trẻ muốn chơi đồ chơi với bạn thì cần chia sẻ, nói chuyện sao để được bạn cho chơi cùng.

Cuối cùng là khả năng đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm, đó là khi trẻ nhận biết được cảm xúc của mình, nhận biết được cảm xúc của người khác nhưng đôi lúc nhu cầu của hai bên sẽ không giống nhau. Chẳng hạn mẹ bắt ăn cơm, nhưng trẻ lại không muốn ăn, thì con cần chia sẻ rằng con không thích ăn cơm nhưng vẫn tôn trọng và cám ơn mẹ đã nấu cho con ăn, và ba mẹ có thể thỏa hiệp với con bằng cách sẽ dẫn con đi ăn món con thích vào một ngày thích hợp nào khác. Lúc này, trẻ cần nói lên nhu cầu của bản thân và biết cách lựa chọn những quyết định phù hợp, như việc đồng ý ăn cơm và sẽ đi ăn món mình thích vào lúc khác.
 
Theo: https://thanhnien.vn/giao-duc/ngon-ngu-quan-trong-the-nao-doi-voi-tre-1364010.html