Karate-Do là môn võ của người Nhật. Ngày nay, Karate-Do trở thành môn võ quốc tế. Karate-Do có nguồn gốc từ Okinawate - môn võ đặc trưng của dân Okinawa. Karate-Do được truyền vào Việt Nam lần đầu tiên tại Huế thập niên 1960, bởi võ sư Suzuki Choji. Từ đây, Karate-Do lần lượt phát triển khắp ba miền.
CLB võ thuật Karate-do Nghĩa Dũng là phân đường bộ môn này lớn nhất tại Việt Nam và có chi nhánh nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
NGUỒN GỐC
Karate-Do là môn Võ của người Nhật. Ngày nay, Karate-Do trở thành môn võ quốc tế. Karate-Do có nguồn gốc từ Okinawate. Năm 1922, Karate-Do được chính thức du nhập vào Nhật Bản bởi giáo sư Funakoshi Gichin (1868 - 1957). Ông là người sáng lập Hệ phái Shotokan, ông còn được xem là ông tổ của nền Karate-Do quốc tế, hiện đại.
Sau thế chiến thứ II, Karate-Do được phát triển rộng khắp trên thế giới. Hiệp hội Karate-Do quốc tế WKF (World Karate Federation) hiện có hơn 175 quốc gia hội viên.
Võ sư Suzuki Choji là người Nhật đầu tiên đem Karate-Do truyền vào Việt Nam, tại Huế, thập niên 1960. Từ đây, Karate-Do phát triển mạnh và hình thành Hệ phái Suzucho Karate-Do. Cũng như cây đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, Hệ phái Suzucho Karate-Do phát triển thành nhiều Võ đường, nhiều Phân đường, và nhiều Chi Phái, như: Minh Đạo Karate-Do của Võ sư Nguyễn Nhuận, Cương Nhu Karate-Do của Võ sư Ngô Đồng, Quyền Đạo Việt Nam của Võ sư Hạ Quốc Huy, Đoàn Long Karate-Do của Võ sư Đoàn Đình Long, Nghĩa Dũng Karate-Do của Võ sư Nguyễn Văn Dũng...
HÌNH THÀNH
Võ sư Nguyễn Văn Dũng
Người sáng lập Nghĩa Dũng Karate-Do là Võ sư Nguyễn Văn Dũng. Huyền đai Đệ Thất đẳng. Là một trong những cao đồ của Chưởng môn Suzuki Choji. Nguyên Trưởng tràng Hệ phái Suzucho Karate-Do nhiệm kỳ 1995 - 2006. Nguyên Huấn luyện viên Trưởng đội tuyển Karate-Do các trường Đại học, Cao đẳng và Chuyên nghiệp Việt Nam.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng sinh ngày 08 tháng 10 năm 1941, tại Thừa Thiên-Huế. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Nguyên giáo sư, hiệu trưởng trường C3 Gia Hội - Huế. Nguyên giáo viên trường THPT Quốc Học - Huế. Nguyên cán bộ chuyên trách Văn - Thể - Mỹ của Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thành viên sáng lập trường Đại học Phú Xuân. Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục Thể chất & Quốc phòng Trường Đại học Phú Xuân.
Cho đến nay, Nghĩa Dũng Karate-Do phát triển rộng khắp trên phạm vi cả nước với hàng triệu môn sinh tham gia tập luyện; hơn 50 Phân đường chi nhánh các tỉnh, thành, ngành; và 07 Phân đường chi nhánh ở nước ngoài.
Ở tuổi 80, Võ sư Nguyễn Văn Dũng chính thức chuyển giao quyền điều hành Nghĩa Dũng Karate-Do cho con trai trưởng là Nguyễn Dũng Chinh.
Sư trưởng Nguyễn Dũng Chinh
Võ sư Nguyễn Dũng Chinh, sinh ngày 22 tháng 02 năm 1968, tại Quảng Ngãi. Tốt nghiệp đại học ngành Quản trị Kinh doanh, Cử nhân Luật. Hiện là giám đốc Công ty Bảo vệ Trí Dũng. Là Huyền đai đệ thất đẳng. Huấn luyện viên trưởng CLB Karate-Do trường Đại học Cảnh sát.
Tên gọi Nghĩa Dũng Karate-Do
- DŨNG là tên người sáng lập. NGHĨA là tôn chỉ.
- Nội dung của NGHĨA bao gồm: đức nhân ái, lòng trung thành, trọng danh dự, tinh thần trách nhiệm, công minh chính trực, bao dung cao thượng.
- DŨNG còn là dũng khí: ý chí, sức mạnh, niềm tin, khí phách.
Đó là những phẩm chất đòi hỏi môn sinh của Nghĩa Dũng Karate-Do phải hoàn thiện trong quá trình rèn luyện và tu dưỡng.
Phù hiệu (Logo)
Hình vuông màu đỏ, vòng tròn ở giữa màu trắng:
- Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu trắng tượng trưng cho mặt trăng. Thông điệp: Mục đích sau cùng của quá trình rèn luyện và tu dưỡng là thân dẻo dai cường kiện, trí sáng ngời nhật nguyệt, tâm lĩnh lặng vô ưu.
- Màu đỏ còn tượng trưng cho cương, màu trắng tượng trưng cho nhu. Cương dễ gẫy, nhu dễ đổ. Để tồn tại phải biết hài hòa giữa cương và nhu.
- Vòng tròn và hình vuông chứa đựng thông điệp sống tròn đầy, có thuỷ có chung.
- Phù hiệu được thiết kế theo dạng hình thoi, thể hiện tư tưởng: Thiên - Địa - Nhân.
Nét riêng của Nghĩa Dũng Karate-Do
Karate-Do có nhiều Trường phái. Tùy theo quan điểm, quan niệm, tính cách, phong cách, cốt cách của người sáng lập mà mỗi Trường phái có những nét riêng.
Sau đây là một số nét riêng của Nghĩa Dũng Karate-Do.
1- Kiên định con đường Karate-Do truyền thống.
Ở Nhật, Karate-Do là môn Võ truyền thống, nhằm đào luyện thể chất và tinh thần. Thập niên 1950, khuynh hướng thể thao hóa Karate-Do ra đời, kéo theo nhiều Giải đấu tranh giành huy chương. Khác với Karate-Do truyền thống, người ta gọi đó là Karate-Do thể thao.
Ở Việt Nam, không như nhiều Võ sư khác chọn Karate-Do thể thao, Võ sư Nguyễn Văn Dũng kiên định con đường Karate-Do truyền thống: Giúp người tập rèn luyện sức khỏe - nhất là sức khỏe tinh thần, kỹ năng tự vệ chiến đấu, đặc biệt tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Ngoài coi trọng kỹ thuật căn bản, quyền pháp và đấu luyện; chương trình còn có nội dung thi đấu, nhưng thi đấu không phải để tranh giành huy chương mà để giao lưu, học hỏi, rèn luyện mình, thể hiện mình, kiểm tra mình, hoàn thiện mình - thi đấu không phải là mục đích sau cùng mà là cánh cửa đưa ta đến mục đích sau cùng.
2- Kỷ cương nề nếp nghiêm.
Với Nghĩa Dũng Karate-Do, Võ đường không phải là giáo đường, nhưng Võ đường phải nghiêm trang và thiêng liêng như giáo đường. Võ đường không phải là trại lính, nhưng Võ đường phải có nề nếp, kỷ cương, kỷ luật như trại lính - đúng giờ đúng hẹn, ngay hàng thẳng lối, giờ nào việc ấy, quân lệnh như sơn. Võ đường không phải là Câu lạc bộ vui chơi giải trí mà Võ đường là cái lò rèn, biến sắt thành thép, biến thép thành kiếm báu. Nghiêm khắc nhưng nhân từ, và không được quá sức chịu đựng của người tập, đặc biệt không được là loại nhục hình, không được làm tổn thương người tập.
3- Võ đường là trường học.
Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do là nơi giúp người tập khỏe hơn, giỏi hơn, thông minh hơn, và đẹp hơn. Đó mới là sứ mệnh, là phần thưởng vô giá dành cho người thầy. Với Nghĩa Dũng Karate-Do, Võ đường không phải là thương trường - Võ là cái nghiệp chứ không phải cái nghề. Thu nhập lớn nhất của người thầy Võ là niềm hạnh phúc đã góp phần giúp Võ sinh trở thành người tốt.
4- Võ sinh là nhân vật trung tâm của Võ đường.
Ở Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do, Võ sinh là một hiện hữu độc lập cần được yêu thương, tôn trọng; cần được lắng nghe, và bình đẳng với mọi người. Nhân vật trung tâm ở Võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do không phải là ông thầy, không phải là tập thể trừu tượng “các em”, mà là từng chủ thể Võ sinh. Mọi bài tập, mọi biện pháp giáo dục đều phải tùy vào đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh sống của từng mỗi đối tượng cụ thể.
5- Như một mái nhà.
Võ đường Nghĩa Dũng Karrate-Do là ngôi nhà thứ hai sau ngôi nhà của bố mẹ; là gạch nối giữa ngôi nhà của bố mẹ với thế giới bao la phía trước. Tại đây, đứa trẻ được yêu thương, tôn trọng, lắng nghe. Đứa trẻ được học những kỹ năng sống, rèn dũa những phẩm chất, nắm bắt những nguyên tắc trong các mối quan hệ xã hội, để khi bước vào tuổi trưởng thành, các em có thể thành công trong đời.
6- Không thu mình trong bốn bức tường của phòng tập, Nghĩa Dũng Karate-Do mở rộng không gian đào luyện ra bên ngoài.
- Trước hết là thiên nhiên: Nghĩa Dũng Karate-Do tạo mọi điều kiện cho Võ sinh đến với thiên nhiên. Thiên nhiên là người thầy vĩ đại. Để giáo dục có hiệu quả, không thể tách rời tuổi trẻ khỏi thiên nhiên.
Bằng thứ ngôn ngữ riêng, thiên nhiên dạy cho tuổi trẻ biết rung động trước cái đẹp, biết yêu cái đẹp, yêu quê hương đất nước mình. Qua chuyến đi, Võ sinh còn được rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, bài học giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Cũng còn là dịp giúp các em biết mình, tự tin và tự hào về mình.
Núi cao là nơi un đúc những giá trị tâm linh. Từ lâu, Bạch Mã Sơn trở thành biểu tượng của Nghĩa Dũng Karate-Do, là mái nhà chung của những đứa con Nghĩa Dũng.
- Đến với thi ca, âm nhạc, và sách: Thi ca và âm nhạc là nguồn năng lượng vô tận bồi dưỡng tâm hồn các em, giúp các em biết yêu thương hơn, biết chia sẻ bơn, biết cảm thông hơn, và có trách nhiệm hơn.
Sách không chỉ cung cấp tri thức, vốn sống, mà còn dạy cho người đọc nhiều điều mà không ông thầy nào làm nổi. Sách là người thầy vĩ đại. Với gần 1.000 Câu lạc bộ trong hệ thống Nghĩa Dũng Karate-Do, quy định bắt buộc Câu lạc bộ nào cũng phải có một tủ sách. Trong chương trình tập luyện, có những buổi dành cho đọc sách và bình sách. Trong tất cả các loại quà, từ quà thủ khoa kỳ thi lên đai, quà dành cho Vận động viên đạt huy chương, quà Tết, quà thưởng... đều bằng sách.
- Đến với người nghèo: Những lúc thiên tai, bão lụt, Nghĩa Dũng Karate-Do thành lập đội “đặc nhiệm” đi cứu giúp đồng bào. Hàng tháng, Câu lạc bộ vận động mỗi Võ sinh góp 2 lon gạo; gom lại thành hàng trăm ki lô gạo đem giúp người nghèo. Mùa đông, Võ sinh quyên góp áo quần cũ tặng người cùng khổ. Hàng năm, kêu gọi Võ sinh nhịn một bữa ăn sáng, chung sức xây trường học cho trẻ em vùng cao vùng xa, xây cầu bắc qua suối cho trẻ em khỏi bị nước lũ cuốn, tặng tủ sách cho các trường học nông thôn thiếu sách, tặng hàng trăm học bổng cho học sinh nghèo chăm học và học giỏi, v.v...
Đóng góp chút công sức nhỏ nhoi tuy không lớn về mặt vật chất, nhưng có ý nghĩa về mặt giáo dục: khơi gợi nơi các em lòng trắc ẩn, sự cảm thông, sự sẻ chia, và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
- Tham gia công tác xã hội: Nhằm giúp hình thành nơi các em ý thức quan tâm và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, như: tham gia trồng cây xanh cho thành phố, tham gia nhặt rác, làm vệ sinh ở các công viên, đường phố… Dạy cho các em bài học không xả rác không gì tốt bằng tổ chức cho các em đi nhặt rác - rác trên đường và rác trong đầu; rác trong đầu, đó chính là sự vô tâm, vô cảm, và vô trách nhiệm.
Đó là 6 nét riêng, cũng là 6 tiêu chí tạo nên bản sắc Nghĩa Dũng Karate-Do.
DANH SÁCH HUẤN LUYỆN VIÊN GIẢNG DẠY MÔN KARATE-DO
1. Thầy Nguyễn Dũng Chinh - Trưởng Ban Huấn luyện
Trưởng Bộ môn Karate Quận 2, Huấn Luyện viên Trưởng môn Karate Đại học Cảnh sát Nhân dân;
2. Thầy Nguyễn Bảo Kỳ
Trọng tài cấp Quốc gia môn Karate, Huấn Luyện viên Phó môn Karate Đại học Cảnh sát Nhân dân;
3. Thầy Đỗ Cao Cường - Huấn Luyện viên Karate Quận 2; 4. Thầy Cao Hùng - Huấn Luyện viên Karate Quận 2;
5. Cô Tôn Nữ Quý Trân - Huấn Luyện viên.
THÔNG TIN CÁC KHÓA HỌC
Thông tin
Cám ơn bạn đã gửi thông tin.